Những dự báo không lạc quan với thế giới trong năm nay

(VOV5) - Theo Liên hợp quốc, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 2,4%, giảm so với mức 2,7% của năm ngoái. 

Liên tiếp trong những ngày đầu năm, thế giới đón nhận các dự báo không lạc quan về môi trường an ninh, biến đổi khí hậu cũng như tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Điều này cho thấy các biến động toàn cầu trong các năm vừa qua vẫn còn tác động rất lớn.

Những dự báo không lạc quan với thế giới trong năm nay - ảnh 1Trí tuệ nhân tạo đứng đầu trong các mối nguy. Ảnh minh họa: CCO

Hôm 10/01, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố bản “Báo cáo Rủi ro toàn cầu 2024”, đề cập đến một loạt các mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó các mối đe dọa phi truyền thống đã nổi lên vị trí hàng đầu.

Trí tuệ nhân tạo đứng đầu trong các mối nguy

Để thực hiện báo cáo rủi ro toàn cầu năm nay, từ tháng 9 năm ngoái WEF đã phối hợp với Tập đoàn Bảo hiểm Zurich khảo sát hơn 1.400 chuyên gia nghiên cứu rủi ro toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực về những mối quan ngại lớn nhất trên thế giới theo đánh giá của họ. Kết quả cho thấy “tin giả và tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo gây ra” được xếp số 1 trong 10 rủi ro lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong năm nay. Giám đốc điều hành WEF, Saadia Zahidi chia sẻ: “Tôi nghĩ chúng ta bước vào năm nay với một triển vọng tương đối bi quan. Về tổng quan triển vọng của 2-10 năm tới, chúng tôi nhận thấy tình trạng xấu dần đi. Nếu tính trong khung thời gian 2 năm tới, chúng tôi nhận định tin giả và tin sai lệch do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra là rủi ro lớn nhất”.

Những dự báo không lạc quan với thế giới trong năm nay - ảnh 2Chủ tịch WEF Borge Brende. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các chuyên gia của WEF, việc “tin giả và tin sai lệch do AI gây ra” được xếp là rủi ro cao nhất xuất phát từ thực tế là công nghệ này đang trong thời điểm bùng nổ và ngày càng tác động nhiều hơn đến mọi mặt của đời sống chính trị-xã hội thế giới. Ngoài ra, trong năm nay, gần 3 tỷ người, tương đương gần 50% dân số trưởng thành trên toàn cầu, sẽ tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử có ý nghĩa rất quan trọng, tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, như: Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nam Phi, Mexico, Liên minh châu Âu. Do đó, nguy cơ công nghệ AI bị sử dụng để tiến hành các chiến dịch tung thông tin giả, qua đó thao túng tâm lý cử tri, gây sai lệch kết quả bầu cử là rất lớn. Bà Carolina Klint, phụ trách mảng thương mại khu vực châu Âu tại công ty tư vấn Marsh McLennan, đồng tác giả báo cáo, nhận định AI có thể tạo lập các mô hình nhằm tác động đến số lượng lớn các cử tri theo cách thế giới chưa từng thấy, hoặc có thể làm lung lay các thiết chế được bầu lên một cách dân chủ, từ đó tạo ra nguy cơ bất ổn, bạo loạn xã hội, thậm chí nội chiến.

Xếp sau rủi ro liên quan đến AI, các vấn đề, như: thời tiết cực đoan; sự phân cực trong các xã hội; xung đột vũ trang giữa các quốc gia; mất an ninh mạng; thiếu cơ hội kinh tế; lạm phát; di cư miễn cưỡng; kinh tế suy giảm và ô nhiễm là những rủi ro được WEF đánh giá sẽ tạo ra các nguy cơ lớn nhất đối với môi trường hòa bình, ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trước thực tế đó, Chủ tịch WEF, Borge Brende cho rằng hơn lúc nào hết thế giới phải học lại cách hợp tác với nhau, trước mắt là tại Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên do WEF tổ chức, diễn ra vào tuần tới (15-19/01) tại Davos (Thụy Sỹ):“Chúng ta có thể nhận thấy sự hợp tác trên thế giới đã đi xuống từ năm 2016 và đến năm 2020 thì thực sự lao dốc. Số người phải bỏ nhà cửa ra đi mỗi năm tăng từ 40 triệu lên 110 triệu người năm qua. Chúng ta cũng chứng kiến các vụ tấn công mạng tăng gấp 4 lần. Do đó, tại Davos, chúng tôi mời những diễn giả phù hợp, để có thể tìm ra các cơ hội hợp tác trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay”. 

Các dự báo bi quan

Bản “Báo cáo rủi ro toàn cầu” mà WEF vừa công bố phản ánh xu hướng thận trọng, bi quan đang chiếm ưu thế trong các dự báo kinh tế-xã hội toàn cầu mà nhiều tổ chức quốc tế đưa ra trong những ngày đầu năm nay. Trước đó, hôm 04/01, Liên hiệp quốc (LHQ) công bố báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới 2024”, nhận định thương mại toàn cầu suy yếu, chi phí vay cao, nợ công tăng cao, và căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến tăng trưởng toàn cầu năm nay gặp rủi ro.

Theo LHQ, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 2,4%, giảm so với mức 2,7% của năm ngoái. Các nền kinh tế lớn, như: Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản… đều được dự báo sẽ có thành tích kinh tế không khả quan, trong đó nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ sẽ chỉ tăng khoảng 1,4% trong năm nay, thấp hơn khá nhiều tỷ lệ tăng trưởng khoảng 2,5% của năm ngoái. Đáng chú ý, nhóm các nước đang phát triển ở Đông Á, Tây Á, Mỹ Latinh và Caribe cũng được dự báo tăng trưởng khó khăn do không gian tài chính bị thu hẹp và nhu cầu bên ngoài trì trệ. Về tổng thể, LHQ đánh giá thế giới sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có thể quay trở lại mức tăng trưởng trung bình hằng năm 3%, như trong giai đoạn trước khi diễn ra đại dịch Covid-19.

Chung nhận định đó, Ngân hàng thế giới (WB) hôm 09/01 cũng đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay sẽ chậm lại trong năm thứ 3 liên tiếp. Phó Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB, ông Ayhan Kose, cho biết: “Kinh tế toàn cầu đã tương đối vững vàng dù đối mặt với các cú sốc liên tiếp, nhưng sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu vẫn tiếp tục. Năm nay sẽ là năm thứ 3 suy giảm, với mức tăng trưởng toàn cầu mà chúng tôi dự báo là 2,4%. Năm ngoái là 2,6%. Ngoài ra, còn rất nhiều rủi ro khác mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt”.

Theo WB, nếu loại trừ sự suy giảm do đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng năm nay được xem là yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Với tốc độ tăng trưởng này, thế giới sẽ không đủ khả năng để đưa dân số ngày càng tăng thoát khỏi nghèo đói. Theo WB, vào cuối năm nay, người dân ở khoảng 1/4 quốc gia đang phát triển và 40% quốc gia thu nhập thấp sẽ nghèo hơn so với năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác