Ngoại trưởng Mỹ nỗ lực tìm lối thoát cho khủng hoảng Trung Đông

(VOV5) - Bên cạnh ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn nguy cơ một cuộc chiến khu vực, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ phải tiếp tục thúc đẩy việc tìm kiếm các giải pháp nhằm sớm chấm dứt xung đột tại dải Gaza.

Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken đang có chuyến công du một loạt quốc gia Trung Đông nhằm tìm kiếm giải pháp sớm chấm dứt xung đột tại dải Gaza, ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng lan rộng và thiết lập khuôn khổ chính trị lâu dài cho tiến trình hòa bình Israel-Palestine.

Ngoại trưởng Mỹ nỗ lực tìm lối thoát cho khủng hoảng Trung Đông - ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Doha, Qatar, ngày 7/1/2024 - Ảnh: Evelyn Hockstein/AP

Trong chuyến công du bắt đầu từ ngày 06/01, Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken lần lượt thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Qatar, UAE, Saudi Arabia, Israel và Ai Cập. Đây là lần thứ 4 Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát hôm 07/10 năm ngoái.

Ngăn chặn xung đột lan rộng ra khu vực

Khác biệt lớn nhất trong chuyến công du Trung Đông lần này của Ngoại trưởng Mỹ là sự thay đổi đáng kể trong ưu tiên hành động, khi nguy cơ xung đột lan rộng trong khu vực đang dần lấn át các quan ngại về chiến dịch quân sự của Israel tại dải Gaza. Trong những ngày qua, liên tiếp có những tín hiệu đáng ngại về việc một cuộc xung đột mới giữa lực lượng Hezbollah ở Lebanon, đồng minh của Hamas, và quân đội Israel sẽ nổ ra ở biên giới phía Bắc Israel. Hôm 08/01, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẵn sàng tiến hành chiến tranh với Hezbollah để loại bỏ các mối đe dọa an ninh tiềm tàng từ lực lượng này.

Theo giới phân tích, đây không phải là một lời đe dọa suông bởi ngay khi xung đột Hamas-Israel bùng phát hôm 07/10 năm ngoái, chính quyền Israel đã tính đến phương án mở chiến dịch quân sự tấn công phủ đầu nhằm vào lực lượng Hezbollah, do lo ngại nguy cơ tái diễn một kịch bản tương tự cuộc tấn công của Hamas hôm 07/10. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội Israel, Yuli Edelstein, tuyên bố: "Mục đích của Israel là đẩy lực lượng Hezbollah ra xa biên giới Israel. Đó là mục tiêu mà chúng tôi cố gắng đạt được qua các kênh ngoại giao. Tôi không đi vào chi tiết, nhưng chúng tôi muốn họ cách xa biên giới nhiều dặm, chứ không chỉ là vài mét”.

Không dừng ở việc khẩu chiến, hai bên đang gia tăng cường độ tấn công vào các mục tiêu của nhau. Trong vài tuần qua, Israel liên tiếp không kích các căn cứ của Hezbollah ở miền Nam Lebanon và để đáp trả, Hezbollah đã phóng rocket với số lượng lớn vào lãnh thổ Israel hôm 06/01. Căng thẳng càng gia tăng khi Israel tấn công hạ sát Saleh al-Arouri, Phó Thủ lĩnh Hamas và là đồng minh thân cận của Hezbollah, hôm 02/01, tại ngoại ô thủ đô Beirut (Lebanon).

Ngoại trưởng Mỹ nỗ lực tìm lối thoát cho khủng hoảng Trung Đông - ảnh 2Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, tại Al Ula, Saudi Arabia, ngày 8/1/2024 - Ảnh: Evelyn Hockstein/ AP

Trước bối cảnh leo thang hiện nay, Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken thừa nhận hiện tại đang là thời điểm căng thẳng nghiêm trọng tại khu vực và xung đột từ dải Gaza rất dễ lan sang các nơi khác, nếu tất cả các bên không hành động khẩn cấp. Ông nói: “Đây là một cuộc xung đột dễ dàng di căn và gây thêm nhiều bất ổn và thiệt hại hơn cho khu vực. Do đó, trong số những ưu tiên ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã hết sức tập trung vào việc ngăn chặn xung đột lan rộng. Đó cũng là ưu tiên chính trong chuyến công du lần thứ 4 của tôi đến khu vực kể từ khi xung đột nổ ra”.

Chung quan điểm đó, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell, hôm 06/01, cũng kêu gọi cần phải làm mọi cách để tránh việc Lebanon bị kéo vào một cuộc chiến khu vực.

Thảo luận tương lai Gaza hậu xung đột

Bên cạnh ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn nguy cơ một cuộc chiến khu vực, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ phải tiếp tục thúc đẩy việc tìm kiếm các giải pháp nhằm sớm chấm dứt xung đột tại dải Gaza, tiến tới xây dựng các khuôn khổ chính trị mới cho dải đất này hậu xung đột và xa hơn là hồi sinh tiến trình hòa bình Israel-Palestine theo các cơ chế mới.

Theo giới quan sát, sau hơn 3 tháng quân đội Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại dải Gaza, các mâu thuẫn giữa chính quyền nước này và Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Mặc dù vẫn duy trì sự ủng hộ chính trị và quân sự lớn với Israel nhưng Mỹ đang không hài lòng với Israel trong nhiều vấn đề, trước mắt là sự thiếu hợp tác của Israel với các tổ chức quốc tế, như: Liên hiệp quốc, Hội Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (ICRC) trong việc cứu trợ thường dân Palestine ở dải Gaza. Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: “Có quá nhiều thường dân Palestine, trong đó đa số là trẻ em, phải chịu đựng việc thiếu thốn lương thực, nước uống, thuốc men và nhiều nhu yếu phẩm khác. Do đó, tôi sẽ tiếp tục nêu quan ngại với phía Israel về sự cần thiết phải tạo thuận lợi cho công tác viện trợ nhân đạo cho dải Gaza”.

Ngoài vấn đề nhân đạo, chính quyền Mỹ hiện cũng đang bất đồng với chính phủ Israel trong việc xây dựng các giải pháp chính trị để quản lý Gaza hậu xung đột. Mỹ, cùng nhiều quốc gia khác, mong muốn xây dựng một nhà nước Palestine thống nhất để quản lý cả dải Gaza lẫn khu Bờ Tây sau khi xung đột tại Gaza chấm dứt. Tuy nhiên, nhiều quan chức trong chính phủ Israel thời gian qua công khai tuyên bố không muốn giao dải Gaza cho người Palestine quản lý. Do đó, trong chuyến công du lần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải thuyết phục được giới lãnh đạo Israel về việc cần phải sớm thảo luận nghiêm túc về vấn đề này.

Trước đó, trong một thông điệp mang tính cảnh báo gửi đến chính phủ Israel, Ngoại trưởng Mỹ cho biết đã thảo luận với các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia Arab trong khu vực và nhận được cam kết rằng các nước Arab vẫn quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ với Israel trong tương lai, nhưng với điều kiện xung đột tại Gaza sớm chấm dứt và có được một giải pháp lâu dài cho tiến trình hòa bình Israel- Palestine, trong đó nền tảng là việc tạo dựng nhà nước Palestine tồn tại song song với nhà nước Israel.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác