Iran tận dụng mọi cơ hội từ thỏa thuận hạt nhân lịch sử

(VOV5)- Những ngày qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đạt được cuối tháng 7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. Iran cũng đang có những bước hội nhập mạnh mẽ với thế giới để tận dụng những cơ hội hợp tác đầy tiềm năng.

Iran tận dụng mọi cơ hội từ thỏa thuận hạt nhân lịch sử - ảnh 1
Quan chức cấp cao của EU và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong cuộc họp công bố chấm dứt lệnh trừng phạt Iran

Có thể khẳng định những lợi ích thu được từ thỏa thuận hạt nhân lịch sử là quá rõ. Không chỉ được phép xuất khẩu dầu thô ra thị trường thế giới, lĩnh vực mang lại nguồn thu ngoại tệ chủ chốt, Tehran còn đồng thời được phép tiếp cận khoản tiền 100 tỷ USD bị phong tỏa trong thời gian bị áp đặt lệnh cấm vận. Số tiền này vô cùng ý nghĩa đối với quốc gia bị cô lập hàng chục năm như Iran trong quá trình cập nhật các công nghệ hiện đại, tân tiến trên thế giới sao cho phù hợp với tiềm năng kinh tế của mình. Các lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền, bảo hiểm, thương mại, vận tải và mua bán công nghệ sẽ có cơ hội phát triển nở rộ khi được tiếp cận với luồng vốn đầu tư nước ngoài.

Các bước đi hội nhập tích cực

Thời điểm hiện nay rất thích hợp để Iran hợp tác với các nước khác và Tehran sẽ nắm lấy cơ hội này để xây dựng đất nước. Iran đặt mục tiêu đạt tăng trưởng hàng năm 8% cũng như thu hút đầu tư nước ngoài mỗi năm từ 30 tỷ đến 50 tỷ USD. Phát biểu này của Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra hồi tuần trước, khẳng định quyết tâm của Iran nắm bắt những cơ hội từ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, giải quyết các vấn đề kinh tế, mở đường cho sự tiến bộ và phát triển.

Trong một bước đi tích cực đầu tiên, ngày 14/2, 4 triệu thùng dầu thô của Iran đã xuất khẩu vào châu Âu và đây là chuyến hàng đầu tiên mà Tehran xuất sang châu Âu, vốn là thị trường dầu mỏ truyền thống của Iran, trong nhiều năm qua. Số dầu này được bán cho các đối tác tại 3 nước Pháp, Nga và Tây Ban Nha, trong đó tập đoàn dầu khí Total của Pháp mua 2 triệu thùng. Iran cho biết nước này đặt mục tiêu xuất khẩu 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ nay tới hết tháng 3. Con số này có thể tăng lên tới 2 triệu thùng/ngày trong năm tài chính sắp tới, bắt đầu từ cuối tháng 3 năm nay. Theo kế hoạch, Tehran sẽ xuất sang châu Âu 300 nghìn thùng dầu thô mỗi ngày và tiến tới bán dầu cho các đối tác châu Á với số lượng khoảng 200 nghìn thùng mỗi ngày trong những tháng tới.

Trong lĩnh vực du lịch, Iran mới đây cũng đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng doanh thu của ngành du lịch lên 25-30 tỷ USD bằng cách thu hút 20 triệu lượt du khách mỗi năm. Để hiện thực hóa kế hoạch, Iran triển khai áp dụng việc cấp thị thực 30 ngày cho du khách của 180 quốc gia. Theo đó, chính phủ Iran mới đây thông qua một dự luật mới, nới rộng thời hạn visa cấp tại các sân bay Iran lên 30 ngày đối với các khách du lịch nước ngoài. Trước đó, du khách chỉ có thể được cấp thị thực tại sân bay với thời hạn 14 ngày và không được phép gia hạn. Iran cũng nới lỏng các quy định lưu trú cho công dân của 7 quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Azerbaijan, Gruzia, Bolivia, Ai Cập và Syria nhằm thực hiện kế hoạch thúc đẩy du lịch. Theo đó, công dân những nước này có thể đến và ở lại Iran trong thời hạn từ 15 tới 90 ngày mà không cần phải xin thị thực. Bên cạnh đó, Iran cũng công bố kế hoạch mua sắm khoảng 400-500 máy bay mới với tổng trị giá khoảng 20 tỷ USD trong một thập kỷ tới.

Mở rộng quan hệ thương mại

Với việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, Iran hy vọng sẽ thu hút tới 50 tỷ USD đầu tư nước ngoài hàng năm. Theo các nhà phân tích, Iran có rất nhiều tiềm năng kinh tế khác chứ không chỉ có dầu lửa. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm dần và nhiều thị trường mới nổi khác cũng đang phải chật vật thì tiềm năng kinh doanh tại Iran trở nên càng hấp dẫn với các công ty châu Âu và Mỹ. Với 80 triệu dân trong đó có khoảng 60% dưới độ tuổi 30 và có trình độ học vấn khá cao, tầng lớp trung lưu ở Iran được cho là sẽ đáp ứng với các nhu cầu các mặt hàng của đối tác phương Tây.

Các công ty nước ngoài đang sẵn sàng tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại nước cộng hòa hồi giáo này. Nhiều doanh nghiệp của các nền kinh tế phát triển như Đức, Thụy Sĩ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và các nền kinh tế đang phát đều có những chuyển động tích cực mang tính "dọn đường" cho công cuộc khai thác cơ hội từ thị trường Iran. Chỉ trong thời gian ngắn kể từ sau khi việc dỡ bỏ trừng phạt được công bố, người ta cũng chứng kiến các chuyến thăm viếng ngoại giao liên tục diễn ra giữa lãnh đạo Iran với các nước khác. Đầu tiên là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuyến công du tới Iran.Tiếp đó, Tổng thống Iran Hassan Rowhani tiến hành thăm Châu Âu. Trong chuyến thăm này, nhiều thỏa thuận kinh tế đã được ký kết, mở đường cho hàng loạt doanh nghiệp triển khai các hoạt động đầu tư.

Với những bước hội nhập tích cực, Iran đã và đang mở rộng cánh cửa cho những nhà đầu tư nước ngoài. Sau nhiều năm bị cô lập về mặt kinh tế vì các lệnh trừng phạt, Iran chứng mình sự hội nhập trở lại với những tiềm năng hấp dẫn các đối tác từng đối đầu về chính trị.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác