Iran cam kết thực thi nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân

(VOV5) -  Ngày 14/7/2015, sau nhiều năm đàm phán, Iran và 6 nước gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, đã ký thỏa thuận lịch sử, giúp chấm dứt những căng thẳng liên qua chương trình hạt nhân của Tehran.


Đánh giá mới nhất của cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 18/12 cho biết hơn 1 năm sau khi đạt thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), Iran đã tuân thủ cam kết theo đuổi thực hiện thỏa thuận hạt nhân này. Tuyên bố trên là sự ghi nhận của quốc tế trước những động thái thiện chí của Iran trong thực hiện thỏa thuận hạt nhân, góp phần đem lại sự ổn định cho khu vực. Tuy nhiên vẫn còn không ít thách thức đặt ra với Iran trong việc thực hiện thỏa thuận này.                  


Iran cam kết thực thi nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân - ảnh 1
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano. Ảnh: The Guardian

                            

Ngày 14/7/2015, sau nhiều năm đàm phán, Iran và 6 nước gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, đã ký thỏa thuận lịch sử, giúp chấm dứt những căng thẳng liên qua chương trình hạt nhân của Tehran. Theo thỏa thuận được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), có hiệu lực từ ngày 16/1/2016, Iran được quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt tài chính, kinh tế và dầu mỏ để đổi lấy việc nước này giới hạn các hoạt động hạt nhân.

Lợi ích từ việc thực hiện nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân

Iran thể hiện cam kết theo đuổi thực hiện thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 bằng nhiều hành động cụ thể như giảm bớt các kho urani, nước nặng và vô hiệu hóa lò phản ứng hạt nhân Arak. Về công tác thanh sát, Tehran cũng đã cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp cận chưa từng có đối với các cơ sở hạt nhân bị tình nghi của nước này. Theo IAEA, Iran cho đến nay vẫn tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, trong đó bao gồm các hạn chế về kho dự trữ urani làm giàu và số lượng máy ly tâm và máy để làm giàu urani mà nước này đang sử dụng.

Trước những nỗ lực thực hiện thỏa thuận hạt nhân của Iran, Israel, vốn là quốc gia phản đối quyết liệt thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng đánh giá rằng JCPOA đã thực sự giúp làm giảm mối đe dọa hạt nhân từ Iran. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon khẳng định " trong tương lai gần, Israel không đối mặt với bất kỳ mối đe dọa hiện hữu nào". Trong khi đó, giới ngoại giao và phân tích phương Tây cũng nhận định mối quan hệ và tiếp xúc giữa các bên với Iran là đáng tin cậy, khẳng định thỏa thuận này là một thành công thực sự trong việc giảm mạnh khả năng hạt nhân của Iran, đem lại sự ổn định cho khu vực.

Việc Iran tuân thủ thực hiện thỏa thuận hạt nhân không chỉ được quốc tế ghi nhận mà còn bước đầu đem lại những lợi ích cho quốc gia này. Về kinh tế, Iran đã hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu. Iran được tiếp cận khối tài sản 100 tỷ USD bị phong tỏa tại các ngân hàng nước ngoài do bị cấm vận trước đó. Đây là tiền đề để Iran đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng sản xuất dầu khí cũng như xây dựng các hạ tầng kinh tế-xã hội khác. Các tổ chức, doanh nghiệp của Iran đã mở được tài khoản tại các ngân hàng ở nước ngoài. Một trong những kết quả lớn nhất mà JCPOA đem lại là Iran đã thực hiện thành công kế hoạch thúc đẩy sản xuất dầu mỏ, nhằm lấy lại thị phần đã mất sau thời gian dài bị cấm vận. Một loạt hợp đồng khác liên quan đến lĩnh vực khí đốt, hạ tầng, tài chính...cũng được ký kết giữa Iran và nhiều đối tác của Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất khẩu của Iran đã tăng gần 20%, trong khi vốn đầu đầu tư nước ngoài đổ vào nước này đạt trên 5 tỷ USD (tính đến tháng 9 năm 2016).

 Thỏa thuận hạt nhân được thực thi cũng giúp Iran thoát khỏi sự cô lập về chính trị. Tehran đã cải thiện đáng kể quan hệ với châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Iran cũng tăng cường mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước Trung Đông và châu Phi. Việc Iran được chấp thuận là một bên tham gia các cuộc đàm phán về vấn đề Syria cũng như vai trò của Tehran trong cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực cho thấy nước này đang ngày càng củng cố và tăng cường vị thế tại Trung Đông.

Vẫn còn đó những thách thức không nhỏ

Bất chấp những thành quả bước đầu nói trên, thỏa thuận hạt nhân vẫn đang đối mặt với những thách thức, xuất phát từ phía Mỹ và phương Tây. Đa số các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ chống Iran vẫn được duy trì. Mới đây nhất (trung tuần tháng 12), Mỹ đã ban hành Dự luật cấm vận Iran (ISA) thêm 10 năm, dự luật này được thông qua lần đầu năm 1996 để trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng của Iran và răn đe việc Iran theo đuổi tham vọng hạt nhân. Động thái này khiến Tổng thống Iran Hassan Rouhani yêu cầu các nhà khoa học nước này tái khởi động việc chế tạo tàu quân sự chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ông Rouhani cũng đề nghị Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) khởi động lại “Kế hoạch thiết kế và chế tạo nhiên liệu và các nhà máy điện hạt nhân để phục vụ lĩnh vực vận tải biển”. Ngoài ra Bộ Ngoại giao Iran được giao nhiệm vụ chuẩn bị các hồ sơ, dữ liệu để kiện Mỹ lên Ủy ban quốc tế giám sát việc thực thi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Mâu thuẫn giữa Mỹ và Iran dự báo còn có thể tăng sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào đầu năm 2017 vì ông Donald Trump vốn dĩ có quan điểm xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngoài ra, Mỹ và Iran còn có những bất đồng khác liên quan tới vấn đề nhân quyền, chương trình tên lửa đạn đạo và khủng bố.

Không thể phủ nhận việc Iran tuân thủ cam kết theo đuổi thực hiện thỏa thuận hạt nhân đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, góp phần đem lại sự ổn định cho khu vực. Tuy nhiên đây mới là năm đầu tiên thỏa thuận có hiệu lực và chặng đường phía trước vẫn còn những thách thức không nhỏ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác