Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí liệu có khả thi?

(VOV5) - Sau hơn 7 năm đàm phán, Liên hợp quốc cuối cùng cũng đã thông qua được Hiệp ước lịch sử nhằm kiểm soát buôn bán vũ khí (ATT), ngày 02/4 vừa qua. Việc Hiệp ước ra đời đã giải toả được bế tắc bấy lâu nay trong điều chỉnh việc buôn bán vũ khí thông thường trên toàn cầu. Tuy ATT bao gồm nhiều điểm mới nhưng giới quan sát cho rằng nó vẫn có nhiều thiếu sót, quan trọng nhất là không cấm được việc bán vũ khí cho các phần tử khủng bố và lực lượng nổi dậy. 

Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí quốc tế được xem như là công cụ để giám sát thị trường buôn bán vũ khí quốc tế, bao gồm các hạng mục như xe tăng, xe bọc thép, các hệ thống pháo cỡ lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng chiến đấu, tàu chiến, tên lửa, cũng như các loại vũ khí nhỏ và nhẹ, trị giá 80 tỷ USD mỗi năm. Trọng tâm của văn kiện này là quy định các tiêu chí cho việc chuyển giao vũ khí thông thường qua biên giới. Theo đó, những quốc gia thành viên phải kiểm soát xuất khẩu vũ khí để bảo đảm vũ khí không được sử dụng cho các hành động vi vi phạm nhân quyền, khủng bố, tội phạm có tổ chức hay tội phạm chiến tranh. Các chính phủ cũng phải ngăn chặn tình trạng vũ khí bị tuồn ra chợ đen. Với những nhiệm vụ đó, các nhà hoạt động kiểm soát vũ khí và các nhóm nhân quyền hy vọng có thể ngăn cản dòng chảy vũ khí và đạn dược không kiểm soát được đang châm thêm ngòi lửa chiến tranh, sự tàn bạo và lạm dụng quyền hạn.

Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí liệu có khả thi? - ảnh 1
Phiên bỏ phiếu Đại hội đồng LHQ ngày 2/4. (Nguồn: EPA)

Ngay khi bản Hiệp ước được thông qua còn chưa ráo mực, những phản hồi trái ngược về văn kiện quan trọng này đã tới tấp được các nước đưa ra. Tổng thư ký LHQ Ban Ki – moon tin tưởng Hiệp ước sẽ là công cụ hữu hiệu mới để ngăn chặn những vi phạm nghiêm trọng tới nhân quyền và luật pháp nhân đạo quốc tế. Washington hoan nghênh động thái này với việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mô tả hiệp ước là mạnh mẽ, hiệu quả và có thể thực hiện được. Ngoại trưởng Anh William Hague thì bình luận đây là thành tựu lớn của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, những nước phản đối hay bỏ phiếu trắng khi thông qua Hiệp ước thì cho rằng Hiệp ước còn nhiều thiếu sót. Không phải ngẫu nhiên mà Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên đã bỏ phiếu chống. Lý lẽ mà đại diện của Iran tại LHQ đưa ra là Hiệp ước ATT không thể chấm dứt việc chuyển giao vũ khí cho những kẻ có hành vi xâm lược do thiếu quy định rõ ràng về việc cấm cung cấp vũ khí cho các phần tử khủng bố và lực lượng nổi dậy. Iran không chấp nhận nội dung dự thảo Hiệp ước vì vấn đề quyền của các nước được tự vệ, chống xâm lược và duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ không được chú trọng. Đồng quan điểm này, đại diện Syria tại LHQ cho rằng Hiệp ước đã không đề cập đến việc cấm chuyển giao vũ khí cho những nhóm vũ trang khủng bố. CHDCND Triều Tiên thì khẳng định Hiệp ước có thể bị lợi dụng bởi những nhà xuất khẩu vũ khí lớn. Nằm trong số 23 nước bỏ phiếu trắng, Liên bang Nga đưa ra quan điểm rằng việc Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí quốc tế thiếu điều khoản về  cấm cung cấp vũ khí cho các tổ chức không phải nhà nước là một thiếu sót lớn. Thậm chí đại diện của Nga tại LHQ còn nhận định những tiêu chí nhân đạo trong Hiệp ước để đánh giá yếu tố rủi ro là khá mơ hồ và sẽ có khả năng bị nhiều nước lợi dụng vào mục đích chính trị.

Ngoài những kẽ hở về không ngăn chặn được khả năng vũ khí sẽ được chuyển giao cho những phần tử khủng bố, tính khả thi của Hiệp ước còn bị chi phối bởi khả năng hiện thực hoá. Ngay cả những người ủng hộ Hiệp ước lịch sử này cũng phải thừa nhận rằng việc thông qua Hiệp ước mới chỉ là bước đầu và tiếp theo là cả một chiến dịch vận động thực hiện. Thứ trưởng các quan hệ đa phương của Mexico, Juan Manuel Gomez Robledo nhận định công việc khó khăn giờ mới bắt đầu. Những lời cảnh báo này không thừa khi trong phản ứng ngay sau đó, Hiệp hội Súng Quốc gia, một tổ chức vận động chính phủ Mỹ chống đối bản Hiệp ước từ nhiều năm nay, tuyên bố rằng họ sẽ vận động để Quốc hội Mỹ không phê chuẩn Hiệp ước này. Tổ chức này cũng tuyên bố bản Hiệp ước sẽ vi phạm Hiến pháp của Hoa Kỳ và gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Không thể phủ nhận Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí là văn kiện quan trọng đầu tiên về vũ khí của thế giới kể từ sau Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996. Tuy nhiên, liệu Hiệp ước này có khả thi, có đáp ứng được những mỹ từ mà người ta ưu ái dành cho nó hay không lại là vấn đề khác khi mà từ ngày 3/6 tới, việc ký kết Hiệp ước mới bắt đầu và các nước được lựa chọn có ký kết và phê chuẩn Hiệp ước hay không. Hơn thế, Hiệp ước sẽ chỉ có hiệu lực sau khi được quốc gia thứ 50 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ phê chuẩn và dự kiến quá trình này có thể kéo dài tới 2 năm./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác