Mường Phăng còn ấm hơi tướng Giáp

(VOV5) - Mường Phăng, một xã thuộc huyện Điện Biên, là đại bản doanh của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống và làm việc trên cương vị là Tổng chỉ huy của chiến dịch Điện biên 60 năm về trước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp giờ như vẫn còn đâu đây, trong bóng rừng già, trong căn lán bên bờ suối, hay trong tâm tưởng của người Mường Phăng. 

Mường Phăng còn ấm hơi tướng Giáp - ảnh 1
Mường Phăng yên ả hôm nay (Ảnh: panoramio.com)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Mường Phăng chỉ cách thành phố Điện Biên khoảng 30 km về phía đông, nhưng đường đi quanh co, khúc khuỷu, vượt nhiều núi, nhiều rừng nên cũng mất đến 2 giờ đi ô tô mới tới nơi. Chừng ấy thời gian đủ để những người mới đến nơi này, vừa ngắm cảnh núi rừng, vừa nghe hết câu chuyện về lịch sử Mường Phăng, nơi nghĩa quân của người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất (1706-1768) đã đánh một trận vẻ vang chống lại đạo quân triều đình thời vua Lê, chúa Trịnh.

Mường Phăng còn ấm hơi tướng Giáp - ảnh 2
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng

Tròn 2 thế kỷ sau, Mường Phăng trở thành đại bản doanh, nơi đóng quân của Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sở chỉ huy nằm ở độ cao trên 1000m so với mặt biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ mà đến nay vẫn còn nguyên vẹn do ý thức của người dân coi đây là chốn “rừng thiêng”, là mảnh “vườn nhà” phải giữ gìn, chăm chút. Người Mường Phăng thường gọi một cách trìu mến khu rừng này là “rừng Đại tướng”, gọi vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thuở ấy là “già bản Võ Nguyên Giáp”, gọi căn hầm của Đại tướng là “nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”.Từ căn hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như: Đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, cầu Mường Thanh... Nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cạnh con đường hầm dài 320m, đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo. Các di tích của Sở chỉ huy Chiến dịch Điện biên phủ chỉ bao gồm: chòi canh gác số 1, hầm thông tin liên lạc, đài quan sát, lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, nhà hội trường, hầm Ban Chính trị… Chị Phan Thị Hồng Hà, từ Đà Nẵng đến thăm khu di tích Đại tướng, cho biết: "Tôi đọc Tố Hữu có câu thơ: Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù. Đến đây thì thấy đúng như vậy. Đại tướng đã chọn địa điểm được rừng che chở, nhân dân che chở. Chúng tôi ai cũng khâm phục cha ông mình ngày xưa. Chỉ đơn sơ như thế này mà chiến thắng được một đội quân hùng mạnh như vậy".

Mường Phăng còn ấm hơi tướng Giáp - ảnh 3
Đại tướng nói chuyện, bắt tay đồng bào Điện Biên trong chuyến thăm Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. (Ảnh Đoàn Hoài Trung/thethaovanhoa)

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, khu Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện biên phủ và cảnh quan thiên nhiên xung quanh được người dân Mường Phăng giữ gìn cẩn thận như là khu bảo tàng của thành phố Điện Biên Phủ. Rất nhiều du khách đến đây để tham quan, nghiên cứu. Cũng đã có nhiều cựu chiến binh về lại, đơn giản chỉ để được sống lại những kỷ niệm gian khổ nhưng hào hùng của một thời trai trẻ. Nếu dừng bước ở một ngôi nhà sàn ven núi, người ta có thể gặp cụ bà Lò Thị Đôi, người đã vận động phụ nữ Mường Phăng gom thóc lúa, trâu bò ủng hộ kháng chiến, để nghe bà kể chuyện về chiến dịch Điện biên phủ và tướng Giáp. Bà nhớ lại: "Hôm giải phóng Điện biên 7-5 là tôi có biết. Một cán bộ tên là Hạc báo tin là mình giải phóng Điện biên rồi. Dân bản lúc đó cũng không được chia tay tướng Giáp vì các cán bộ đánh giặc xong thì họ đi. Chỉ được gặp tướng Giáp khi ông ấy lên đây nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng. Đây là ảnh tôi chụp hồi ấy với tướng Giáp".

Ký ức người Mường Phăng, nhất là những người đã tròn trăm tuổi như cụ bà Lò Thị Đôi, bây giờ quẩn quanh chuyện nhớ và thương tướng Giáp. Hôm tướng Giáp về trời ngày 4 tháng 10 năm ngoái, ai cũng đến lán Đại tướng thắp nhang cho ông. Cụ bà Lò Thị Đôi không đi được thì ngồi ở bậc cầu thang này, khóc vì thương tướng Giáp. Cụ Đôi khẳng định nếu không có tướng Giáp đánh giặc thì người Mường Phăng không có cuộc sống hạnh phúc như hôm nay. Cũng nghĩ như cụ Đôi, chị Lò Thị Chung, cho biết: "Tình cảm của các con, các cháu ở Mường Phăng đối với tướng Giáp còn hơn bố đẻ. Bố đẻ cũng không bằng ông Giáp. Bố đẻ chỉ biết nuôi con cho lớn thôi. Còn ông Giáp có một tấm lòng rất lớn đối với dân Mường Phăng. Công lao của ông rất lớn, hơn công lao của bố mẹ mình ấy vì ông đã bảo vệ và giải phóng được cả Mường Phăng và Điện biên này. Nếu không có ông Giáp đào hầm ở Mường Phăng chỉ huy chiến đấu thì chẳng biết Mường Phăng và Điện biên mình như thế nào".

Đất Mường Phăng, người Mường Phăng nay vẫn tự hào vì đã cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia lửa trong Chiến dịch Điện biên phủ năm xưa. Mường Phăng bao năm nay đã là quê hương thứ hai của tướng Giáp. Huyền thoại về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện biên phủ sống mãi cùng đất Mường Phăng. 60 năm đã qua nhưng hơi ấm Đại tướng vẫn đâu đây, như thể ông mới rời khỏi nơi này./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác