Rau má ở xứ người

(VOV5)- Giới trí thức văn nghệ sĩ người Việt ở Mỹ nói riêng, ở phương Tây nói chung biết đến Võ Đình như là một họa sĩ người Mỹ gốc Việt nổi danh có thâm niên sống trên sáu mươi năm hết Pháp đến Mỹ. Ông du học Pháp từ đầu những năm 50 thế kỷ 20 khi mà mức sống trung bình khá của người dân Pháp thời bấy giờ thước đo chỉ là có dùng  điện thoại bàn và xem ti vi đen trắng hay không.

Người ta biết đến tác giả là một họa sĩ  sau rất nhiều hoạt động nghệ thuật tạo hình cùng những triển lãm cá nhân của ông ở Mỹ. Song còn một góc để hiểu thật đầy đủ, thật cặn kẽ nữa, đó là "con người văn chương" trong ông. Ông là tác giả của hàng loạt cuốn văn xuôi rất có tiếng vang trong giới cầm bút hải ngoại như : "Xứ sấm sét"  " Đóa sen và nụ cười"," Sao có tiếng sóng", "Lầu  xép", "Rừng mắm văn nghệ " ," Huyệt Tuyết".

Rau má ở xứ người  - ảnh 1
Cố họa sĩ - nhà văn Võ Đình

Điều đáng nói ở con người cầm cọ - cầm bút này là sống xa xứ sở, xa  quê  Huế mộng Huế mơ hơn nửa thế kỷ kể từ ngày ông còn là một cậu thiếu niên; vậy mà những gì là thân thương nhất của quê nhà dường như không phai nhạt trong tâm cảm. Chẳng hạn món canh tập tàng bữa cơm quê, chẳng hạn về loài rau má bé mọn thân thuộc trên đất vườn đất ruộng, nơi chân đê chân tre xóm mạc dường như chỉ có ở đất Việt mà thôi.

Người đọc đồng cảm với tác giả khi ông nhắc đến loại rau bé mọn này trong truyện " Tập tàng". Có một ngày trên đất Mỹ nơi ông định cư, ông để ý : "Miền này có một thứ thực vật mọc hoang la đà mặt đất, lá tròn, dẹp, thấy nó quen quen, ngắt một lá  nhấm nhấm. Đăng đắng thơm thơm giống hệt rau má, bèn hái một mớ đem về nhà ăn sống. Sau đem nấu canh, sống chín đều ngon cả. Thế là bén mùi ăn, bởi vì cứ nghĩ rằng, cho rằng đó là rau má. Cũng bởi vì cảm thương cho nó. Thân rau má hèn mọn cớ gì mà qua cái xứ văn minh tiên tiến này, chen chúc giữa cỏ xanh. Nó mọc lan tràn trên mặt đất như rau má. Nếu nó không phải là rau má thứ thiệt thì chắc cũng anh em chị em ruột thịt chi đó. . .".

Từ cái mớ rau má, tạm gọi  như vậy ở xứ người  mà tác giả gọi vui là "má Mỹ", ông liên hệ, liên tưởng đến rau má thứ thiệt quê mình mà ông gọi vui là "má mình" sau khi may mắn có được nó hiếm hoi ngoài chợ Việt. Ông  phân biệt rành rẽ :"Thì ra cái lá rau má mình nó sần sùi chứ không trơn láng, gân lá rõ nét hơn, hương vị đậm đà hơn. Hiềm nỗi "má mình" không phải gốc gác ở đây, không phải chính thị dân địa phương cho nên có săn sóc tưới bón bao nhiêu nó cũng không sinh sôi rậm rạp như má Mỹ !"

Từ cái loại rau má xứ người, gia đình ông thỉnh thoảng  lấy nó làm nguyên liệu nấu bát canh tập tàng. Từ món canh tập tàng tác, tác giả miên man suy tưởng về chữ nghĩa. Nghe đâu khởi nguồn người ta gọi là  "canh thập toàn", đủ mười loại rau quê. Suy đoán của tác giả có lý: "Dần dà cho dễ nghe dễ nói hơn,thập toàn biến thành tập tàng. . . Canh tập tàng, nghe chỉ thế thôi đã thấy ngon hơn. Một cái tên nôm na cho một món canh dân dã".

Về phương diện ngôn ngữ, nhiều người ngạc nhiên. Võ Đình xa nước, xa môi trường tiếng Việt thuần khiết hơn nửa thế kỷ, vậy mà  tiếng Việt trong văn ông, lời ăn tiếng nói trong văn ông vẫn cứ tươi nguyên "hồn dân tộc", không thua sút gì người cầm bút hàng ngày sống giữa không gian và môi trường ngôn ngữ Việt nguyên bản.

Nếu ăn và nói như là nét đặc trưng sống động nhất của văn hóa thì chỉ qua trang văn kể về rau má quê người quê mình, tác giả Võ Đình cũng cho thấy quê hương Việt ám ảnh người Việt như thế nào ./.

Họa sĩ, nhà văn Võ Đình sinh năm 1933, tại Huế. Những năm 50 ông du học ở Pháp. Năm 1961, triển lãm hội họa đầu tiên ở New York City. Sinh thời ông có rất nhiều triển lãm cá nhân và tập thể ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, ông cũng để lại hơn 40 tác phẩm: sáng tác, dịch thuật, minh họa.

Họa sĩ, nhà văn Võ Đình qua đời tại West Palm Beach, Hoa Kỳ ngày 31 tháng 5, 2009./.

Phản hồi

Các tin/bài khác