Ngôi nhà truyền thống của người Mông hoa

(VOV5) - Dân tộc Mông sinh sống nhiều ở tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái. Ở mỗi nơi người Mông lại có một cách làm nhà riêng. Nhà của người Mông được làm bằng gỗ hoặc bằng đất gọi là trình tường. Dù làm bằng vật liệu gì thì ngôi nhà của người Mông cũng có những nét độc đáo riêng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Người Mông hoa ở Lai Châu, Sơn La chủ yếu ở nhà làm bằng gỗ. Ngôi nhà gỗ giản dị, mộc mạc như chính những con người nơi đây. Nhà làm hoàn toàn bằng gỗ, nền đất, mái lợp prô xi măng.  Anh Mùa A Xanh, người Mông hoa ở tỉnh Sơn La, cho biết: Ngày xưa các cụ làm rất đơn giản. chặt gỗ về dựng lên, trên mái lợp gianh bây giờ thì Nhà nước hỗ trợ mái Prô xi măng. Người Mông giờ lợp mái bằng prô xi măng, nên nhà cửa cũng được cải thiện,đảm bảo, bền lâu còn mái nhà gianh hay bị hỏng. Nhà lợp mái gianh, bố mẹ để con ở nhà đi nương, sợ con cái ở nhà nghịch ngợm gây ra hỏa hoạn còn giờ yên tâm công tác, không lo nữa. Trước nhà lợp mái gianh hay bị cháy lắm.

Ngôi nhà truyền thống của người Mông hoa - ảnh 1
Nhà người Mông hoa ở Hua tạ (Mộc Châu) - Ảnh: dulichmocchau.net

Kết cấu ngôi nhà gỗ của người Mông hoa cũng không cầu kỳ. Bộ khung nhà làm bằng gỗ ván. Nhà thường được làm ba gian, gian chính bao giờ cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Đây cũng là nơi sinh hoạt chung của gia đình, nơi ăn uống, tiếp khách. Các gian nhà của người Mông hoa không quây kín mà để mở. Không gian sinh hoạt cá nhân trong nhà được ngăn cách bằng những chiếc rèm. Không gian bếp trong nhà của người Mông hoa cũng không đặt ở giữa nhà như nhiều dân tộc khác. Anh Mùa A Xanh cho biết: Nhà họ Giàng có khi đặt bếp bên phải hoặc bên trái, còn họ Mùa thì đặt bếp bên phải. Trước kia các cụ thay đổi bếp để làm ăn cho thuận lợi. Cái bếp với người Mông rất quan trọng. Một cái bếp để sáng sớm dậy nấu còn một bếp để nấu nướng hàng ngày cả sáng, trưa và chiều. Bếp to chỉ nấu nướng cho buổi sáng.

Trong ngôi nhà người Mông hoa ở tỉnh Sơn La đều có một cái cột vuông hay tròn được chôn ở giữa nhà nối với nóc nhà. Theo quan niệm của người dân tộc Mông hoa nó như một biểu tượng cột cái trong nhà hay cột trụ nhà. Khi gia chủ làm xong nhà mới, thì cây cột trụ mới được dựng lên ngay giữa nhà. Trong gia đình khi có công việc hay ngày lễ tết, ăn mừng cơm mới, cưới vợ, gả chồng cho con, ngoài thắp hương trên bàn thờ, gia chủ phải thắp hương ở chân cột trụ để báo cáo với thổ công biết gia đình có việc. Ngay trong ngày tết, cột trụ trong nhà được trang trí bằng giấy bản với nhiều màu sắc khác nhau. Chính vì sự “linh thiêng” của cột trụ trong nhà mà điều kiêng kị là cấm mọi người cầm dao chặt, đẽo vào cột hoặc đi lại trong nhà vịn tay vào cột làm bẩn cột, không được đốt bất cứ vật gì gần cột trụ nhà. Anh Mùa Van Su, người Mông hoa ở Lai Châu cho biết, ngôi của gia đình anh được làm từ năm 1995 và đến nay không thay đổi. Mọi thứ trong ngôi nhà đều được tiếp nối truyền thống từ cha mẹ: Từ nhỏ đến lớn ông bà cha mẹ đã để lại ngôi nhà như thế này đó là nhà chéo góc có cột trụ. Riêng cột tròn này có tên là cột quân còn ngoài là cột cái. Cột cái, tượng trưng cho người chủ nhà.

Việc dựng cột trụ trong nhà là một phong tục tập quán của người Mông  hoa được lưu truyền từ đời này đến đời khác, đây cũng là nét văn hóa riêng có của người Mông hoa ở Sơn La, Lai Châu, qua đó, nhắc nhở con cháu trong gia đình hãy phát huy truyền thống của dân tộc, luôn hướng về việc thiện, không làm điều ác, xây dựng gia đình đoàn kết, thương yêu, hạnh phúc, không được quên ơn cha, mẹ, ông, bà tổ tiên trong gia đình, họ tộc. Anh Mùa A Xanh cho biết: Người Mông có truyền thống giúp đỡ lẫn nhau. Ở cùng bản thấy hàng xóm làm nhà thì mình đến giúp, không cần gia chủ lên tiếng nhờ. Còn ở bản khác thì gia chủ đến nhờ thì mình đến làm ngay. Gia chủ chỉ cần nói: gia đình có dựng nhà mời anh em đến giúp. Cứ sáng sớm mọi người khắc đến làm.  

Ngôi nhà truyền thống của người Mông hoa - ảnh 2
Người Mông ở bản Hoa Dì Hồ, xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) được chính quyền hỗ trợ dựng nhà trên vùng đất mới - Ảnh: Báo Tin tức

Người Mông hoa thường làm nhà vào mùa xuân.  Ăn tết xong, dựng nhà để chuẩn bị một vụ mùa mới. Người Mông hoa cũng chọn ngày để làm nhà và thường là làm vào ngày chẵn. Người Mông quan niệm ngày chẵn là ngày đem lại may mắn.

Trải qua bao đời, sinh sống bên những sườn núi cao, những ngôi nhà gỗ của người Mông hoa  vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa. Những ngôi nhà gỗ cũ kỷ ẩn mình dưới những gốc đào lâu năm ẩn chứa cả một nền văn hóa độc đáo của người Mông hoa ở Sơn La./.

Phản hồi

Các tin/bài khác