Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

(VOV5) - Sáng 22-4, tiếp tục phiên họp lần thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đa số đại biểu đánh giá cao việc Tòa án nhân dân tối cao đã chỉnh lý và tiếp thu nhiều nội dung quan trọng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 26. Tuy nhiên, Dự thảo Luật còn một số nội dung có ý kiến khác nhau như: tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân; nhiệm kỳ và tuổi làm việc của Thẩm phán. Góp ý về quy định tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm trong Tòa án nhân dân, đa số đại biểu đồng tình cần thiết thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) - ảnh 1

Đối với quy định về tuổi làm việc của Thẩm phán, các đại biểu tán thành kéo dài tuổi làm việc của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể đối với nam làm việc không quá 65 tuổi và nữ làm việc không quá 60 tuổi. Đối với các Thẩm phán khác, đề nghị vẫn áp dụng độ tuổi làm việc như cán bộ, công chức khác theo quy định của Bộ Luật lao động. Đồng thời, quy định rõ Thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo.

Chiều 22/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật đầu tư (sửa đổi). Đa số các đại biểu nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật đầu tư (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch hơn, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật sửa đổi cần phù hợp với yêu cầu cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tiến hành đàm phán.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Mục đích của Luật là nhằm giải phóng tiềm năng của đất nước, thu hút nguồn lực từ bên ngoài, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; đồng thời giải quyết việc làm cho lao động và tăng nguồn thu cho đất nước. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung hoàn thiện đầy đủ nhằm khắc phục được tối đa những vấn đề nảy sinh trong thực tế, đảm bảo được sự công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác