Hướng đi quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam

(VOV5)- Năm 2014 - 2015 là giai đoạn nước rút đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để tiến đến mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đây cũng là thời điểm rất thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được những lợi ích tiềm năng của AEC để tăng cường vị thế, giúp nền kinh tế Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn. Biên tập viên Đài TNVN ghi lại ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2014 được tổ chức ngày 17/4, tại Hà Nội.       

Hướng đi quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam - ảnh 1
Kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng chính của Việt Nam sang thị trường ASEAN 6 tháng năm 2011 và 6 tháng năm 2012 -Nguồn: Tổng cục Hải quan.

10 năm qua, kim ngạch thương mại Việt Nam tăng gần 4 lần, từ khoảng 9 tỷ USD năm 2003 lên đến gần 40 tỷ USD vào năm 2013. Đặc biệt, những năm gần đây, ASEAN liên tục thuộc trong nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Năm 2013, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và EU, với kim ngạch gần 18,5 tỷ USD. 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN trước thềm AEC
Theo dự báo, trước thềm AEC, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế. Bên cạnh đó, nhiều nội dung về đảm bảo tự do lưu chuyển hàng hóa cam kết trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) được các nước thành viên thực hiện như: Tự do hóa thuế quan; Xóa bỏ hàng rào phi thuế; Cải thiện yêu cầu về quy tắc xuất xứ; Thuận lợi hóa thương mại; Đơn giản, hiện đại hóa thủ tục hải quan.

Bà Phạm Thị Hồng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), cho rằng các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN những mặt hàng có tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép các loai, gạo… Song song với đó, cần tận dụng những lợi thế của hàng Việt Nam tại nhóm thị trường Campuchia, Lào, Myanmar.

Đón đầu để tận dụng tối đa các lợi thế khi AEC được thành lập
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015, ASEAN sẽ trở thành khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng dự kiến từ AEC thì sẽ tăng được quy mô kinh tế không chỉ với khối thị trường ASEAN mà còn với các thị trường mà ASEAN đã ký các Hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand…Việt Nam cũng sẽ có cơ hội lớn để xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, gạo, thủy sản, linh kiện điện tử...

Đồng tình với quan điểm này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng khi AEC hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng sang các nước ASEAN gần như bán hàng trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam muốn tận dụng tốt những cơ hội mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại phải thường xuyên nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Thuế suất giảm nhưng vẫn có hàng rào khác như quy tắc xuất xứ. Tức là phải có ít nhất 40% hàm lượng sản phẩm sản xuất trong khối ASEAN mới được hưởng ưu đãi. Nếu nhập nguyên liệu quá nhiều từ các nước ngoài khối thì cũng không được hưởng thuế ưu đãi. Khi không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì thuế nhập khẩu trở nên vô nghĩa. Ngoài ra, một số biện pháp khác như chống trợ cấp, chống bán phá giá cũng là hàng rào thương mại mà doanh nghiệp cần lưu ý.”

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà nội, cho rằng:“Việt Nam cần đón nhận cơ hội đó thông qua cải cách và hình thành khu vực doanh nghiệp đủ mạnh. Hướng xuất khẩu phải do năng lực thực sự của doanh nghiệp, phải tìm được mặt hàng chuyên biệt để xuất khẩu trong quá trình cạnh tranh”

Song song với các nhiệm vụ trên, việc xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất lớn để có khả năng nhận những đơn hàng lớn; tạo được giá trị gia tăng tham gia chuỗi sản xuất khu vực cũng là yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam.

AEC là khu vực kinh tế rộng lớn. Việc các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN và tận dụng tốt các cơ hội mà AEC tạo ra sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực. /.          

Phản hồi

Các tin/bài khác