Đổi mới chính sách để thu hút FDI

(VOV5) - Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, việc đổi mới chính sách, cách thức thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đặt ra như một yêu cầu bức thiết. Việc làm này đang được tiến hành đồng bộ, tích cực cả ở trung ương và địa phương.



Đổi mới chính sách để thu hút FDI - ảnh 1
Để thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI ở nước ta trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam cần có những thay đổi cần thiết về chính sách FDI. (Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Unika Việt Nam TNHH, thuộc KCX Tân Thuận, thành phố HCM). Ảnh: sggp.org.vn


Định hướng thu hút FDI trong thời gian tới có điểm khác biệt lớn so với trước đây là không phải thu hút được bao nhiêu tỷ USD vốn đầu tư  mà cái chính là chất lượng, lĩnh vực đầu tư, khả năng giải ngân vốn.

Theo Thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Trung hiện nay, Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc theo hướng phù hợp hơn với giai đoạn phát triển mới. Cụ thể, Việt Nam tập trung thu hút những dự án thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, tài nguyên và chất lượng nhân lực được tăng lên. Đồng thời, Việt Nam cũng tập trung thu hút các dự án lớn, có mức độ lan tỏa để thu hút các dự án đầu tư khác.

Cùng với đó, Việt Nam cũng tăng cường khuyến khích liên kết giữa các công ty nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước trong những lĩnh vực, ngành nghề, dự án cụ thể nhằm tạo sức lan tỏa tích cực với nền kinh tế. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết: “Đa số các doanh nghiệp Việt Nam chỉ cung cấp linh phụ kiện, nguyên vật liệu hết sức đơn giản, tối thiểu. Đó là một bất cập. Theo khảo sát của chúng tôi, các doanh nghiệp nước ngoài rất muốn có công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, vì nếu đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, sản lượng cho họ, chắc chắn sẽ rẻ hơn là đem 1 doanh nghiệp từ nước ngoài vào.  Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải có chính sách ưu tiên và đột phá, thậm chí doanh nghiệp Nhà nước cũng nên tham gia vào quá trình liên kết này”.

Từ nửa cuối năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Trên tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai một loạt các giải pháp hoàn thiện khung khổ pháp lý về FDI, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Doanh nghiệp; xem xét cơ chế phân cấp trong thu hút và quản lý FDI; xem xét lại hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó nhấn mạnh kênh xúc tiến đầu tư tại chỗ và các kênh xúc tiến đầu tư khác. Việt Nam cũng tập trung mọi nguồn lực để có thể thu hút được các dự án lớn. Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung  cho biết: “Ở Trung ương và địa phương đã có thay đổi trình tự thủ tục để nhà đầu tư tiếp cận được giấy tờ pháp lý, cấp chứng nhận đầu tư.  Quốc hội  thông qua Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, trước đây là khuyến khích doanh nghiệp, nhưng nay khuyến khích dự án đầu tư. Tức là thay đổi về đối tượng. Điều này khác về chất. Thứ 2 là, từ 1/1/2014 thuế suất giảm xuống. Trước chỉ ưu đãi dự án đầu tư vào khu kinh tế, nay Quốc hội cho phép khuyến khích dự án vào khu công nghiệp. Khuyến khích dự án hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, ít sử dụng năng lượng, đất đai để đảm bảo phát triển hài hòa”.

Trong khi đó các địa phương cũng tích cực, chủ động thay đổi trong cách thu hút vốn FDI. Tại tỉnh Hà Nam, lãnh đạo tỉnh  cam kết không để xảy ra tình trạng mất điện liên tục trong 24h. Doanh nghiệp nào có vướng mắc có thể trực tiếp liên hệ với Chủ tịch tỉnh. Hà Nam cũng dành những khu đất nhất định để doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng nhà ở cho công nhân; đồng thời rút gọn, đơn giản hóa thủ tục hành chính  trong cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tại tỉnh Bình Dương, địa phương đứng đầu cả nước trong thu hút vốn FDI quý I/2014, cũng khuyến khích các tập đoàn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp cao như điện, điện tử, cơ khí chính xác. Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết: “Việc hạn chế đầu tư ngoài khu công nghiệp cũng ảnh hưởng đến một số nhà đầu tư có ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên cũng khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng công nghệ sạch đầu tư ngoài khu công nghiệp thì tỉnh vẫn ủng hộ. Hầu hết nhà đầu tư hài lòng vì những gì mình làm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn”.

Năm 2013, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam khi vốn FDI vượt mốc 20 tỷ USD. Năm 2014, với nhiều thay đổi trong việc thu hút vốn FDI, nguồn vốn này sẽ đóng góp hiệu quả hơn đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam./.

 


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác